⛔️LƯU Ý: Không áp dụng cho những ai mất gốc trầm trọng hoặc đã lâu không dùng đến tiếng Anh và quên gần hết kiến thức căn bản. Những ai đang trong tình cảnh “yêu lại từ đầu” này nên học ngữ pháp căn bản và từ vựng thông dụng trước, không nên đâm đầu vào luyện IELTS kẻo bị sát thương là không chịu trách nhiệm nha ??
1/ TỰ ÔN IELTS: KỸ NĂNG IELTS LISTENING
Nếu chỉ cần 5.5, bạn nên tập trung vào part 1, 2 và 4 của phần IELTS Listening thay vì cố gắng luyện thêm cả part 3, bởi vì bạn không đủ thời gian và part 3 thường khá khó.
Trong 1 tháng đầu: mỗi ngày tập nghe chép chính tả part 1, 2 trong bộ đề Cambridge (từ cuốn 10 tới cuốn 14, cuốn nào cũng được). Sau đó nghe và nhìn transcript, tập trung phân tích xem điểm yếu của mình là gì (còn hay bỏ qua âm cuối, số nhiều, không nghe được nối âm…) để những lần luyện tập sau mình sẽ ráng không mắc lại nữa.
Trong lúc nghe, gạch chân những cụm từ mà người nói dùng để:
+Chuyển ý / chuyển chủ đề
+Đồng ý / không đồng ý với ý kiến của người kia
+Thể hiện thái độ, quan điểm
Sau khi làm xong việc trên, bật recording nghe lại lần nữa. Lần này là nghe + đọc câu hỏi nhưng chưa trả lời vội. Để ý tới những điểm vừa gạch chân ở trên, và mối quan hệ của chúng với các câu hỏi. Làm thế nào để bạn biết được người nói đã chuyển sang câu hỏi kế tiếp? V.v..
Một tuần làm đề listening part 1, 2 một lần, nhớ ghi chú lại lỗi sai, đọc transcript để xem tại sao mình sai và cố gắng lần sau không mắc phải nữa.
1 tháng sau: Luyện thêm kỹ năng vừa nghe vừa ghi chú những từ khóa trong part 4 (kiểu như nghe và take note vậy á). Có thể ghi tắt hay vẽ kí hiệu gì tùy ý, miễn bạn hiểu chúng là gì. Chỉ ghi những từ mang nội dung (danh từ, động từ, tính từ) còn những thứ như A, an, the hoặc I, him, her… thì khỏi ghi. Nói chung là ghi những từ khóa ngắn gọn và súc tích thôi. Sau đó đọc lại và ngẫm xem mình hiểu được bao nhiêu rồi check lại transcript. Ghi ra những từ vựng mình chưa biết và cố gắng ôn lại mỗi ngày để học thêm từ mới. Một tuần làm đề listening part 1, 2, 4 một lần.
1 tháng cuối: 1 tuần làm khoảng 2 đề Listening (đủ 4 part luôn). Không quan trọng số lượng mà quan trọng chất lượng, nghĩa là sau khi làm đề xong, bạn lật transcript ra, vừa nghe vừa nhìn. Ghi chú lại cách người ta paraphrase từ vựng trong câu hỏi so với đáp án + những từ vựng ở trong đáp án mà mình không biết. Để ý tới cách người nói chuyển sang câu kế tiếp cũng như những cái bẫy nhằm đánh lạc hướng người nghe (but, however…)
Để luyện Listening cấp tốc thì mỗi ngày bạn cần khoảng 2h cho nghe + check transcript + ghi chú nhé. Lúc rảnh có thể coi các video tiếng Anh chủ đề bạn yêu thích ở trên Youtube hoặc coi phim tiếng Anh có Engsub. Nói chung là cần tăng thiệt nhiều lượng input để não bạn có thể mã hóa cái bạn nghe và có thể xử lý để ra output được ?
2/ TỰ ÔN IELTS: KỸ NĂNG IELTS READING
Với target 5.5, bạn không cần đặt áp lực phải hoàn thành 40 câu hỏi trong 60 phút, thay vào đó hãy tập trung làm đúng section 1 và 2 càng nhiều càng tốt.
1 tháng đầu: Luyện tập 2 kỹ năng Scanning (đọc lướt) và Skimming (đọc nắm ý chính).
+Cách luyện Scanning:
Lấy ra một bài đọc của section 1 trong bộ đề Cambridge, nhìn vào các câu hỏi và lên một danh sách các từ khóa (gồm tên người, tên địa danh, ngày tháng, thuật ngữ kĩ thuật), tối thiểu 4-5 từ khóa. Sau đó đọc lướt bài đọc và tìm những từ này càng nhanh càng tốt (nhớ bấm giờ để xem thử mình bao lâu để tìm). Mỗi ngày dành ra 10-15p để tập luyện như vậy (vừa đọc lướt vừa bấm giờ) sao cho thời gian tìm ngày càng ngắn đi.
Bên cạnh đó cần tìm thêm các synonyms (từ đồng nghĩa) của từ khóa nữa (ví dụ: Scientists = researchers). Cùng vừa đọc lướt + tìm + bấm giờ để cải thiện tốc độ.
+Cách luyện Skimming:
Với Skimming, ko đọc từng từ một mà chỉ đọc để nắm được ý tưởng chung của từng đoạn (chủ đề của bài là gì? Bài này có liên quan đến một đất nước, một nghiên cứu hay nhiều thứ?…)
Người bản xứ có thể skim read 100 từ trong 20s, còn người ko phải bản xứ nhưng ở trình độ cao có thể skim read 100 từ trong 30s => đặt ra mục tiêu skim read 100 từ trong 30s.
Lấy ra một bài đọc ở Section 1 của IELTS Reading, đếm 100 từ rồi đánh dấu, sau đó lại đếm tiếp 100 từ rồi đánh dấu, lặp lại như vậy cho tới khi đếm xong toàn bài.
Sau đó đặt đồng hồ 30s để skim read 100 từ đầu, hết thời gian thì chuyển sang 100 từ tiếp theo, đặt lại 30s và skim read tiếp, cứ như thế đến hết bài.
Lúc này, hãy viết ra những gì bạn có thể nhớ được từ bài đọc (đừng cố gắng nhớ những chi tiết vụn vặt mà hãy nghĩ tới bức tranh tổng thể)
Đây là kĩ năng cần luyện tập hằng ngày, cho tới khi bạn đã skim read 100 từ trong 30s okay rồi thì lại chuyển sang Section 2 và luyện tập tiếp.
1 tuần làm đề của section 1 & 2 một lần.
1 tháng sau: tiếp tục luyện scanning và skimming với section 2, kết hợp trả lời các câu hỏi. Chỉ tính thời gian khi giải đề, còn khi làm bài mỗi ngày thì hãy đặt mục tiêu là làm đúng càng nhiều càng tốt thay vì làm càng nhanh càng tốt.
1 tháng cuối: 1 tuần giải khoảng 2 đề (bấm thời gian 60p và làm cả 3 section, nhưng vẫn ưu tiên cho section 1 và section 2). Làm xong tra đáp án, lập ra bảng từ đồng nghĩa (những từ vựng trong bài đọc đã được paraphrase như thế nào so với câu hỏi) và học thêm từ mới trong bài. Nhớ là ôn từ vựng mỗi ngày nhé ?
3/ TỰ ÔN IELTS: KỸ NĂNG IELTS SPEAKING
Với target 5.5 thì bạn cần tập trung vào part 1 và part 2.
Trong 2 tháng đầu: lên mạng tìm bộ đề dự đoán Speaking của quý về, mỗi ngày bốc ra 1 đề part 1 và part 2 để trả lời. Câu nào mà bí ý tưởng thì có thể gõ câu đó lên mạng tham khảo, hoặc coi lại các bài viết mà cô Ý từng chia sẻ về cách chữa bí hiệu quả trong IELTS Speaking nha. QUAN TRỌNG là KHÔNG HỌC THUỘC CÂU TRẢ LỜI MẪU. Nên nghĩ ra ý tưởng rồi tập diễn tả theo ý mình, nói rõ ràng, phát âm có âm cuối. Nếu được thì nên nhờ người có trình độ cao hơn góp ý và chỉnh sửa các lỗi bạn đang mắc phải.
1 tháng cuối: tập trả lời thêm các câu hỏi của part 3. Với những câu hỏi nào trừu tượng hoặc vượt quá tầm hiểu biết của bạn, có thể lên mạng tìm các bài báo, bài viết hoặc các video về chủ đề đó để lấy ý tưởng. Nhớ ghi chú lại các cụm từ hay + dễ áp dụng mà người ta sử dụng nhé.
Lúc coi video trên Youtube hoặc xem phim thì nên tập nhại theo nhân vật để giúp cơ miệng vận động trơn tru hơn và giúp phát âm dễ nghe hơn.
4/ TỰ ÔN IELTS: KỸ NĂNG IELTS WRITING
1 tháng đầu: tìm hiểu cách triển khai ý cho từng dạng đề. Tham khảo bài mẫu của các giám khảo bản xứ (Simon hoặc IELTS Liz) để xem cách họ triển khai ý và lập luận như thế nào. Từ đó rút ra dàn bài cho từng dạng để đi thi là lôi ra viết luôn chứ không mất thời gian ngồi nghĩ xem nên mở bài như nào, kết bài ra sao nữa.
Ôn lại kiến thức ngữ pháp căn bản về mệnh đề quan hệ, câu điều kiện loại 1&2, sự hòa hợp chủ ngữ và động từ, các thì (hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai đơn, hiện tại hoàn thành).
2 tháng cuối: Luyện viết một tuần khoảng 2 bài. Trước khi viết, lên mạng tìm đọc các bài báo về chủ đề đó để lấy ý tưởng => vạch ra những ý chính => viết. Trong 1 tháng cuối thì nên canh thời gian 60p cho 2 task, còn trước đó thì quan trọng là phải viết hoàn chỉnh 2 task đã. Nên gửi bài cho người có trình độ cao hơn góp ý hoặc gửi bài cho các giám khảo bản xứ / thầy cô có kinh nghiệm chấm.
Túm lại là, không có con đường tắt dễ dàng nào dẫn đến thành công cả. Nếu bạn muốn ôn thi cấp tốc, hãy chuẩn bị tinh thần cày sấp mặt mỗi ngày. Chấp nhận rằng mình phải dậy sớm hơn một chút, ngủ muộn hơn một chút, ít đi chơi la cà quán xá hay giảm thời gian lướt facebook đi một chút. Sau khi đã xác định tư tưởng để chuẩn bị đương đầu với gian khổ sắp tới, hành trình tu luyện IELTS sẽ bớt vất vả đi phần nào.
Tác giả: Y Nhu Nguyen
Nguồn: Bấm xem
Nguồn: Tự học PTE-IELTS 9.0
Quản trị bởi elsaspeak.vn
__________________________________________________________
CÁC VẤN ĐỀ KHÁC, VUI LÒNG LIÊN HỆ
Ban Admin Tự học IELTS 9.0
Messenger/Nhắn tin : m.me/tuhocielts9
Email : contactielts9@gmail.com