Thạc sỹ Vũ Hải Đăng, một trong số ít người Việt đạt 9.0 Kỹ năng Viết trong kỳ thi IELTS “chỉ mặt” thủ phạm khiến bạn hay quên từ vựng rất nhanh (trong khi học thì cực lâu).
PHÁT ÂM “DỞ” là chính là thủ phạm vô hình khiến bạn không nhớ được từ vựng khi học tiếng Anh. Tại sao lại có chữ “vô hình” ở đây? Phát âm là một nội dung chưa được coi trọng đúng mức trong chương trình ngoại ngữ phổ thông của Việt Nam. Chính vì vậy, thày cô nói sai, học trò nói sai và tất cả mọi người đều nói sai; khi tất cả cùng sai thì cái sai nghiễm nhiên trở thành cái đúng và chẳng ai thấy có gì sai cả để mà phải sửa cả. Thế là vấn đề phát âm không chính xác trở thành một “sát thủ vô hình” trên con đường học tiếng Anh của mỗi người Việt Nam.
SỜ NẶNG, DỜ NẶNG VÀ TR NẶNG
Đây là những âm dễ nhận thấy nhất của Vinglish (tiếng Anh kiểu Việt Nam). Tiếng Việt phổ thông có dạy những âm này rất bài bản; ví dụ, về mặt lý thuyết, có lẽ đa số người Việt sẽ đều có thể nói vanh vách sự khác nhau về cách phát âm của từ ‘sung’ (bổ sung) và ‘xung’ (xung phong), một bên dùng s (hay sờ nặng) còn một bên dùng x (hay xờ nhẹ, theo cách giải thích trực quan sinh động). Tuy nhiên, đó là sách vở, còn trong đời thực, người Việt Nam (đặc biệt là người Bắc) hầu như quy hết về xờ nhẹ, dờ nhẹ và ch nhẹ cho nó tiện mồm.
Cái nguy hại là thói quen tiện mồm đó lây lan sang cả tiếng Anh. Thế là bao thế hệ học trò cứ mê man trong những âm thanh sai, “sure” đọc thành xua, “television” đọc thành te-le-vi-dần, “change” đọc thành chên; cứ đọc sang sảng như vậy và vui sướng trào nước mắt vì mình đã giỏi tiếng Anh quá rồi. Rất tiếc, nếu bạn phát âm sai một từ, điều này cũng có nghĩa bạn chưa biết từ đó, đơn giản là bởi bạn nói Tây không hiểu còn Tây nói, bạn không thông. Điều đáng khổ tâm là bạn có thể đã mất rất nhiều thời gian để nạp từ sai đó vào đầu và cũng sẽ mất cực kỳ nhiều thời gian để tẩy nó đi để nạp cái đúng vào.
LÊN XUỐNG, NẶNG NHẸ VÀ DỪNG NGHỈ
Tiếng Việt có hệ thống dấu câu để tạo ý nghĩa và sắc thái khi nói. Không giống như vậy, tiếng Anh không có dấu câu mà sử dụng ngữ điệu lên xuống, trọng âm và sự dừng nghỉ để tạo ý nghĩa và sắc thái. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa phát âm tiếng Việt và phát âm tiếng Anh. Trong tiếng Việt, bạn có thể cứ nói đều đều thì nó vẫn ra câu và vẫn ra nghĩa, nhưng với tiếng Anh, bạn mà nói đều đều một giọng thì nó chẳng phải là tiếng Anh nữa.
Bạn hãy thử nhìn vào hai câu sau nhé: We sat down and we just looked at the world from that perspective. We breathed in the new inspiration, new motivation. (Chúng tôi ngồi xuống và nhìn thế giới từ một góc nhìn khác, tâm thế khác. Chúng tôi hít đầy lồng ngực những nguồn vui mới, những hứng khởi mới.)
Để tạo ra điểm nhấn, tiếng Anh sẽ không đọc liền từ đầu đến cuối, người ta sẽ ngắt ra thành từng khúc và từng khúc (different chunks) để tạo ra nhịp điệu. Thế là, đoạn nói sẽ có nhạc điệu và giống như một bài hát, nó sẽ cuốn hút người nghe hơn và dễ nhớ hơn.
Kỹ thuật tạo ngữ điệu đó được minh họa như sau.
Trọng âm: We SAT down and we just LOOKED at the WORLD from that PERSPECTIVE. We BREATHED in the NEW inspiration, NEW motivation.
Nhịp điệu: We SAT down/ and we just LOOKED at the WORLD/ from that PERSPECTIVE./ We BREATHED in/ the NEW inspiration,/ NEW motivation.
Cái này thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng thực ra lại là phần khó nhất về phát âm tiếng Anh, bạn cần làm thật chậm rãi để có cảm nhận và sự tự nhiên lúc ban đầu. Tuy nhiên, nếu không có người hướng dẫn, bạn cũng sẽ cảm thấy rất khó khăn, nhất là với những bạn mới học. Vậy ai sẽ hướng dẫn bạn đây?
NỮ HOÀNG BĂNG GIÁ
Là một người dạy tiếng Anh, tôi đã biết đến Elsa Speak từ rất lâu, đã tải xuống iPhone từ rất lâu nhưng mãi đến gần đây tôi mới sử dụng. Tôi không sử dụng cho mình mà dùng Elsa như một trợ lý giúp ‘uốn nắn’ phát âm của các học viên IELTS – Elsa thực sự là một ứng dụng thần kỳ giúp các em có thể sửa những lỗi cực kỳ khó sửa, đã ăn sâu bám rễ qua nhiều thế hệ.
Ở trên lớp, tôi luôn tổng hợp lại những lỗi phát âm để các em có thể ghi chép lại và sửa dần. Thế nhưng, việc làm ấy giống như việc xử lý rò nước ở một đường ống đã hỏng, cứ bịt chỗ này lại rò chỗ kia, hôm nay sai chữ này mai lại sai chữ khác. Cái hay của Elsa là việc họ chia ra thành các chủ đề thực hành phát âm riêng biệt – mỗi chủ đề lại đi kèm phần tổng hợp từ vựng thực hành phong phú. Việc va đập với âm thanh chuẩn giúp cho học viên ngấm bài rất bền.
Ngoài ra, Elsa còn có những điểm vượt trội khác mà không lớp học hay thày giáo nào có được. Một, Elsa luôn ở bên bạn. Là một ứng dụng có sẵn trong điện thoại thông minh, bạn có thể thực hành mọi lúc, mọi nơi. Hai, Elsa lắng nghe và “cho điểm”, bạn có thể nghe, đọc theo, ghi âm và xem đánh giá để biết phát âm đã “chuẩn xịn” như người Mỹ chưa. Ba, Elsa được thiết kế để tất cả nội dung đều là hoạt động tương tác ngắn nên rất phù hợp với khoảng tập trung của học viên, giúp việc học phát huy hiệu quả cao nhất.
Khi đã chắc nền tảng về phát âm từ, bạn sẽ chuyển qua phần thực hành ngữ điệu câu với hơn 400 chủ đề và hơn 2.000 từ vựng rất dễ nhớ của Elsa. Đối với các bạn sắp thi IELTS, nguồn tài liệu này cũng rất tốt để bạn học được nhiều từ hay phục vụ cho IELTS Speaking.
Nếu như có một điểm trừ ở “cô trợ lý” thông minh này thì đó chính là việc Elsa đánh giá chưa thực sự chuẩn xác khi bạn nói câu dài. Tôi đã thử thu lại những đoạn nói tiếng Anh kiểu Vinglish nhưng vẫn được ‘cô ấy’ chấm điểm khá cao. Tuy nhiên, phần đánh giá phát âm từ thì rất chuẩn xác – đây là điều đặc biệt giá trị với người học, nhất là người học ở bậc nền tảng.
TỪ VỰNG DỄ NHỚ – DIAMOND VOCABULARY
Khi nhìn vào bảng học từ hàng ngày của nhiều bạn học viên, mình đã thấy ngay lý do bạn cứ học trước lại quên sau, u u mê mê chứ không được tươi tỉnh sáng chói. Trên những bảng từ vựng này, bạn tích cóp rất nhiều từ khó kiểu như nadir hay scrummage trong khi hầu như không lưu lại những từ hay cụm từ khiến bạn cảm thấy thực sự yêu thích và cảm động.
Khi đã nhìn thấy vấn đề, bạn sẽ giải quyết nó rất dễ dàng. Trong trường hợp này, bạn làm ngược lại là xong! Hãy gạt bỏ ra khỏi bảng từ vựng cần thuộc của mình những từ quá khó, và hãy ưu tiên cho việc tích lũy những từ vựng dễ nhưng có hồn và có cảm xúc hơn. Vì dễ, bạn sẽ tránh được các lỗi sai; vì có cảm xúc nên từ vựng sẽ đi vào trái tim bạn rất nhanh – thế nên người ta mới gọi là “learn by heart” học thuộc bằng cả học bằng trái tim mà.
Nhưng nói thế thì cũng chỉ là lý thuyết suông, vì theo kinh nghiệm dạy học của tôi, hầu như các học viên (trình độ cao cũng như trình độ thấp) đều gặp khó khăn trong việc lựa chọn từ vựng kim cương. Đây chính là lý do từ nửa năm nay, tôi đã cho ra đời chuyên mục FRESH 360 trên Facebook group IELTS VU HAI DANG. FRESH 360 được đăng tải vào 21h tất cả các ngày để giúp các bạn học và ngấm từ vựng nhanh. Làm thế nào để nhanh? Từ vựng được lựa chọn và giới thiệu đều rất thú vị, giàu hình ảnh, gần gũi với tiếng Việt đến không ngờ và kèm theo ‘hoạt cảnh’ để các bạn có thể hiểu và ứng dụng chính xác.
Anh Vũ Hải Đăng là một trong số ít người đạt điểm 9.0 IELTS Writing, được Chính phủ Anh trao tặng Học bổng Chevening. Anh cũng là người sáng lập IELTS Kungfu, Trung tâm luyện thi IELTS nổi tiếng, trang facebook Tôi được 9 điểm Viết IELTS, facebook group IELTS Vu Hai Dang. Bạn có thể tham gia FRESH 360, chuyên mục khám phá tiếng Anh hàng ngày, bằng cách tham gia group IELTS Vu Hai Dang hoặc group Tự học IELTS 9.0 (hiện có gần 200.000 thành viên).