Học tiếng Anh bằng podcast là một cách tuyệt vời giúp bạn cải thiện tiếng Anh nhanh chóng, bởi bạn có thể thực hành luyện nghe tiếng Anh ở bất cứ nơi nào và bất cứ đâu, lý tưởng nhất là đắm mình trong các bản tin podcast cho những chuyến đi dài. Một điểm cộng tiếp theo dành cho podcast là nó thường có bản phiên âm đi kèm với audio, điều này giúp bạn có thể phát triển hai kỹ năng nghe và đọc cùng lúc.
Bài viết được chia sẻ bởi tác giả Khanh Ha Luu (8.5 IELTS), bên ngoài việc học ở trường. Khanh Ha tìm đến những nguồn tài liệu như phim ảnh, Youtube, âm nhạc v.v… mà qua đó mình được tiếp xúc với ngôn ngữ Anh trong bối cảnh tự nhiên hơn sách giáo khoa.
Tuy nhiên sau này nhận thấy việc học tiếng Anh từ những nội dung mang tính giải trí trên các phương tiện truyền thông không thực sự hiệu quả trong việc giúp cải thiện khả năng nói tiếng Anh.
Ví dụ: Phim ảnh và âm nhạc thì cũng có nhiều loại, nhưng những bộ phim Hollywood hoặc những bài hát dễ tiếp cận bởi nhiều người (tương tự, nhiều nội dung trendy trên Youtube hoặc mạng xã hội) thì thường không được xây dựng để giúp người nước ngoài cải thiện tiếng Anh.
Cách sử dụng ngôn ngữ Anh trong đó chỉ liên quan và/hoặc phục vụ cho văn cảnh rất cụ thể và hạn hẹp (chính là nội dung của bộ phim/bài nhạc đó) vì thế khả năng cao không giống với ngôn ngữ Anh giao tiếp trong đời thật. Đó là chưa đến kể lỗi ngữ pháp, lối diễn đạt mang tính kịch, giọng vùng miền, v.v… mà bạn cần phải cẩn thận khi đưa vào bài nói.
Ngoài ra, phim ảnh, âm nhạc hay video trên Youtube thì vô vàn, nhưng quỹ thời gian và năng lượng của bạn dành để tự học tiếng Anh hoặc luyện thi IELTS thì có hạn. Việc chọn được nguồn tài liệu học chất lượng, cover đa dạng các chủ đề để bạn tự tin đi thi có lẽ sẽ tốn kha khá thời gian của bạn.
Vì vậy, xét về mặt kinh tế, việc tận dụng phim ảnh, âm nhạc, hoặc bất cứ tài liệu miễn phí nào để tiết kiệm chi phí học tiếng Anh là tốt. Thế nhưng, nếu bạn không sử dụng có chọn lọc và kết hợp với việc thực hành bài bản, chưa chắc bạn đã đạt được mục tiêu nói tiếng Anh trôi chảy, tự nhiên. Học tiếng Anh bằng podcast chính là một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được hiệu quả này.
TẠI SAO SỰ “TRÔI CHẢY, TỰ NHIÊN” TRONG GIAO TIẾNG BẰNG TIẾNG ANH LẠI QUAN TRỌNG?
Nếu bạn nhìn vào tiêu chí chấm điểm của IELTS Speaking, bạn sẽ thấy fluency là một trong bốn yếu tố chính dùng để đánh giá bài thi của bạn. Nhưng chưa dừng ở đó, bản thân ba yếu tố còn lại: từ vựng đa dạng, ngữ pháp chính xác, phát âm mượt mà – tất cả đều bổ trợ và góp phần tạo nên Fluency.
Bạn sẽ thấy trong Speaking band descriptors, ở mục Fluency and Coherence band 8.0 có ghi:
Speaks fluently with only occasional repetition or self-correction; hesitation is usually content-related and only rarely to search for language
Develops topics coherently and appropriately.
Nếu từ vựng giới hạn, khả năng cao bạn sẽ lặp từ hoặc lặp ý, hoặc sử dụng từ ngữ không phù hợp với bối cảnh, gây thiếu tự nhiên. Mắc nhiều lỗi ngữ pháp hoặc phát âm sai sẽ khiến bài nói khó hiểu, hạn chế khả năng tiếp thu của người nghe. Ngoài ra, nếu không có vốn hiểu biết rộng, bạn có thể sẽ bí ý tưởng nếu gặp phải đề bài về một chủ đề xa lạ, vì vậy mà ngần ngừ trong khi nói hoặc phát triển ý không đủ sâu.
? HỌC TIẾNG ANH BẰNG PODCAST: MỘT VÀI NGUỒN PODCAST ĐỂ HỌC NÓI TIẾNG ANH
Dưới đây tổng hợp danh sách một vài kênh Podcast bằng tiếng Anh với nhiều chủ đề đa dạng và thú vị. tiếng Anh giao tiếp trong podcast thường tự nhiên hơn là phim ảnh, âm nhạc. Những cuộc trò chuyện thảo luận trong podcast khá tự nhiên, với mục tiêu gợi mở suy nghĩ và kích thích các ý tưởng khác nhau. nnghe podcast vừa có thêm kiến thức, vừa biết cách sử dụng tiếng Anh giao tiếp một cách tự nhiên trong phạm vi nhiều chủ đề khác nhau.
- Bạn có thể tận dụng thời gian ngồi trên tàu, xe, trên đường đi học, đi làm, hoặc những lúc dọn dẹp nhà cửa, rảnh rỗi thư giãn để nghe podcast.
- Mỗi ngày bạn dành khoảng 30p nghe & học từ podcast là đã thu nạp được rất nhiều thông tin và kiến thức rồi!
- Quan trọng hơn, bên cạnh việc nghe podcast, bạn có thể ghi chép từ vựng, mẫu câu, tập shadowing (nghe và nhại theo người nói), tập vận dụng các từ ngữ mẫu câu trong podcast vào bài nói của mình.
DANH SÁCH CÁC KÊNH PODCAST HAY ĐÁNG NGHE THỬ
Talks at Google: Một podcast của Google, mỗi tập xuất hiện một hoặc nhiều vị khách mời là những chuyên gia, học giả hàng đầu ở Mỹ với chuyên môn từ đa dạng và đầy đủ các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, chính trị kinh tế xã hội v.v… Các bài nói đều có điểm chung là xoay quanh những cải tiến, đột phá trong lĩnh vực đó – đúng như những giá trị mà Google là một công ty theo đuổi.
Freakonomics Radio và Think Like An Economist: Đây là hai kênh podcast phù hợp với những bạn yêu thích tìm hiểu hoặc mới tìm hiểu về Kinh tế. Các tập podcast không chỉ nói lý thuyết suông mà còn được đặt trong bối cảnh là những vấn đề kinh tế xã hội khá thực tiễn ở Mỹ cũng như trên toàn cầu.
Vietnam Innovators: Kênh podcast bằng tiếng Anh của Vietcetera, ở đây khách mời là những doanh nhân, nhà đầu tư, nhà quản lý ở các công ty, start-ups trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Các tập thảo luận về công việc, chiến lược kinh doanh, phát triển, khó khăn thách thức cũng như tiềm năng đầu tư và phát triển nhiều ngành và lĩnh vực v.v… ở nước mình. Nghe podcast mà đúng cảm thấy tự hào về những thành tựu mà các doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam đã đạt được luôn!
A Bit of Optimism by Simon Sinek: Nếu bạn nào ở đây đã nghe đến Golden Circle – Lý thuyết Vòng Tròn Vàng rồi thì chắc hẳn các bạn cũng nghe đến cái tên Simon Sinek, người sáng tạo ra lý thuyết trên. Simon là một diễn giả và tác giả nổi tiếng ở Mỹ, các bài nói của ông xoay quanh tư duy và kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhân lực v.v… Nghe podcast của Simon xong bạn sẽ hiểu thêm nhiều về cách đối nhân xử thế và giá trị của tương tác người-người trong kinh doanh.
You Are Not So Smart và Hidden Brain: Vì là sinh viên ngành Tâm lý học nên đương nhiên mình nghe nhiều podcast về lĩnh vực này rồi (hehe). Đây là hai podcast cá nhân mình thấy nội dung rất cuốn và dễ hiểu, mặc dù khách mời toàn là những chuyên gia, Tiến sĩ trong ngành Tâm lý học ở Mỹ. Nếu bạn nào đam mê hoặc đang tìm hiểu tâm lý học thì đây là hai kênh podcast rất đáng để xem thử nha!
Ngoài ra, mình cũng muốn chia sẻ với mọi người website: https://www.vocabulary.com
Các bạn có thể lên đây học từ vựng tiếng Anh miễn phí, tạo tài khoản để tham gia vào các thử thách học từ vựng. Ngoài ra, điểm đặc biệt của vocabulary.com là với mỗi từ vựng bạn tra, bên cạnh những gợi ý về từ đồng nghĩa/trái nghĩa, cách phát âm v.v… website này còn đưa ra cho các bạn cách sử dụng từ ngữ từ những ví dụ từ trong thực tế (ví dụ, các câu lấy từ các bài báo, nguồn uy tín nước ngoài).
Đây là website học từ vựng nói chung, vì thế có thể không trực tiếp giúp các bạn cải thiện kỹ năng nói, nhưng rất đáng để các bạn xem thử nếu muốn cải thiện tiếng Anh trở nên tự nhiên hơn và nắm được cách sử dụng tiếng Anh giống với trong thực tế.
Nếu ai có gợi ý thêm về kênh học tiếng anh bằng podcast nào khác thì hãy chia sẻ dưới đây để mọi người cùng biết nha! Ngoài việc cải thiện kỹ năng nghe, bạn sẽ phát triển thêm vốn từ vựng, các cấu trúc ngữ pháp trong văn nói từ đơn giản đến nâng cao cũng như các kiến thức xã hội phong phú đến từ các chủ đề podcast mang lại. Với những thông tin này, hy vọng các bạn sẽ chọn được cho mình một podcast phù hợp. Chúc các bạn ôn thi Speaking thật hiệu quả!