Xin chào các bạn, Lê Linh thành viên Group Tự học PTE – IELTS 9.0. Trước đây mình đã từng có bài chia sẻ kinh nghiệm về việc nâng điểm speaking từ 7.5 lên 9.0. Hôm nay mình sẽ xin đi sâu hơn vào 1 trong những điểm mình đã có sự cải thiện đáng kể, đó là Pronunciation.
Đầu tiên, mình vẫn phải khẳng định lại, mình không đi từ con số 0 về Pronunciation mà về cơ bản phát âm của mình từ đầu đã được đánh giá là khá tốt, chỉ là chưa đạt đến mức hoàn chỉnh (tức là ở khoảng band điểm 7.0) và mình cũng CHƯA TỪNG ĐI DU HỌC hay SỐNG Ở NƯỚC NÓI TIẾNG ANH. Nhưng mình mong những chia sẻ dưới đây vẫn sẽ giúp được nhiều bạn cải thiện pronunciation ở nhiều level pronunciation khác nhau nhé!
1. CHỌN NGUỒN NGHE VÀ NHẠI LẠI (phương pháp Shadowing).
Trước đây nếu bạn nào đã đọc bài chia sẻ về việc Học tiếng Anh qua xem phim của mình chắc đều đã biết mình nhại theo phim cực nhiều.
➡️ Mình rút ra kinh nghiệm rằng, để có thể học được cách phát âm tự nhiên của “native speakers”, mình cần nghe nhiều, thật nhiều! Điều quan trọng là nghe nhiều về tần suất nhưng về đối tượng nghe thì mình cần đi theo 1 style thôi.
Ví dụ, mình xem một bộ phim hay một talk show nào đó và cảm thấy giọng nói, style nói của người nào phù hợp, bắt tai thì mình sẽ xem thật nhiều, nghe thật nhiều từ người này (ví dụ khi xem Friends mình rất thích giọng của Rachel nên mình nghe tập trung thật nhiều giọng điệu và cách nói của nhân vật và diễn viên ngoài đời nữa). Sau đó tất nhiên cần có một chút sự nhại theo và rất nhiều sự lẩm bẩm một mình.
Xem thêm: Shadow là gì? Phương pháp luyện tập Shadowing Technique
2. TÌM HIỂU VÀ TỰ CHỈNH CÁC ÂM THEO ĐÚNG LÝ THUYẾT PRONUNCIATION
Điều khiến cho việc luyện prononciation theo phim của mình chỉ đưa mình tới band điểm 7.5 là vì chỉ nghe không thì mình chưa thể nghe được hết các “tinh hoa” của cách phát âm từ vựng tiếng Anh. Mình lại là người rất lười học lý thuyết, mình cảm thấy khó nhớ lý thuyết vô cùng.
Duyên cớ thế nào khoảng thời gian 1-2 năm sau đó mình có dạy một số lớp phát âm, và trong quá trình dạy các bạn, mình cũng nghiên cứu rất nhiều về phát âm và tự rút ra kinh nghiệm, hoàn thiện phát âm của chính bản thân rất rất nhiều. (Khoa học chứng minh rằng cách học và nhớ tốt nhất chính là dạy lại cho người khác kiến thức vừa học được đó).
- Các âm dài và âm ngắn:
Thời đi học cấp 3, mình rất ghét cặp từ beach và b*tch ?, bởi khi nghe người ta nói mình không biết khác nhau thế nào, nên thường xuyên tránh phát âm những căp âm dài – ngắn như thế này. Cho đến khi mình tìm hiểu kĩ hơn về cách phát âm và khẩu hình miệng, mình đã phát âm được chuẩn hơn rất nhiều các cặp âm dài ngắn này (VD: sit – seat, hit – heat,…). - Các âm đuôi cần đầy đủ và chính xác:
Ngày xưa mình cứ nghĩ âm đuôi nó chỉ như 1 cơn gió thoảng qua, không quá quan trọng. Nhưng thực tế, người bản xứ nghe âm đuôi cực rõ (vì là tiếng mẹ đẻ của họ mà), nếu âm đuôi mà sai hoặc thiếu thì từ đó sẽ thành 1 từ khác và họ nghe không thể hiểu nổi luôn (VD: lock – log, war – word,…). Đặc biệt, cần lưu ý nối âm nếu đằng sau có một nguyên âm. - Đuôi -ed và -s:
Ngày đi học mình rất sợ mấy bài phân biệt âm đuôi này (mà thi học kì hay đại học thì luôn luôn có), bởi khi đó phải học 1 list các đuôi từ mà khi đi với -ed thì đọc là /t/ hay /d/ hay /id/. Đến sau này khi biết về bản chất âm vô thanh và hữu thanh cùng với cách đọc đi kèm của -ed và -s, mình mới thực sự nhớ được và áp dụng cực nhanh và khi ấy thì mình thấy tiếng Anh cũng hợp lí chứ không phải bày vẽ lắm chuyện như trước đây mình nghĩ (mình là người không học gạo được mà phải hiểu bản chất mới nhớ được).
3. NHẤN NHÁ ĐÚNG CHỖ:
Mình có đọc nhiều quy tắc về trọng âm của từ (word stress) và trọng âm câu (sentence stress) cũng như các quy tắc intonation, ngắt nghỉ,… Nhưng thực tế, ngoài quy tắc về word stress ra, những quy tắc về lên xuống của câu mình đều không thể nhớ được và thấy rất máy móc.
Sau khi nghe nhiều native speakers, mình hiểu rằng điều quan trọng khi prononciation trong câu đó là nhấn mạnh vào từ/ cụm từ bạn muốn truyền tải.
Ví dụ: Khi nói “This is MY mother (đây là mẹ TÔI) “– khi nhấn vào từ “my”, tôi muốn khẳng định rằng đây là mẹ tôi chứ không phải mẹ ai khác đâu nhé. Nhưng khi nói “This is my MOTHER (đây là MẸ tôi)” – khi nhấn vào từ “mother”, tôi muốn khẳng định rằng đây là mẹ, chứ không phải chị hay bố tôi đâu nhé.
4. ENUNCIATE (clear pronunciation):
Từ này mình không biết dịch sang tiếng Việt là gì nên mình mở ngoặc định nghĩa đơn giản ở bên cạnh thôi nhé ?
Điều này tưởng đơn giản mà không hề giản đơn nha. Mình gặp rất nhiều bạn khi phát âm đơn lẻ 1 từ thì cực đúng, nhưng khi nói vào câu thì từ nó cứ líu vào nhau, đặc biệt gặp đoạn nào không chắc chắn thì sẽ nói cực lí nhí và dính từ.
Thực tế là việc nói lí nhí không giúp bạn che giấu được lỗi mà ngược lại càng làm rõ ra yếu điểm! Quan trọng khi nói, dù đúng hay sai thì đều cần RÕ RÀNG và RÀNH MẠCH. Nếu bạn đang mắc vấn đề này, hãy luyện tập ĐỌC hàng ngày:
- Tìm một đoạn văn hay cuộc hội thoại có script (dễ nhất là lấy các phần của bài Listening) và đơn giản là Đọc to và rõ ràng, lặp lại mỗi ngày. Nhớ là đọc thật to, rõ ràng, chậm rãi, khẩu hình miệng mở to rành mạch như luyện phát âm của các em lớp 1 nhé.
- Ghi âm lại bài đọc của mình, nhưng đừng nghe lại luôn sau khi ghi âm, bởi khi ấy não mình vẫn nhớ được những gì mình đọc nên thường sẽ “autocorrect” luôn những lỗi phát âm sai.
- Ngày hôm sau nghe lại 1 lượt các đoạn ghi âm (chưa nhìn script) và nếu có những lỗi sai hoặc chỗ nói líu nhíu làm chính bạn không hiểu mình đang nói gì thì đó là những lỗi bạn cần tập trung sửa.
Đây là một số kinh nghiệm của mình trong việc học cải thiện phát âm. Mình mong có thể giúp được ít nhiều với các bạn đang loay hoay với pronunciation nhé. Chúc các bạn học tốt và nhớ đừng quên theo dõi tuhocielts9.com và Group Tự học PTE – IELTS 9.0 để học thêm những kiến thức bổ ích.
Xem thêm các bài viết hay về chủ đề IELTS Speaking tại đây:
Những kiến thức về How long & How often IELTS Speaking Part1 |
3 Chiến thuật cực hay trả lời IELTS Speaking Part 3 |
3 sai lầm “xương máu” khi luyện IELTS Speaking tại nhà! |
__________________________________________________________